Trang chủ Tin tức Thông tin ngành VRG nỗ lực triển khai các giải pháp, phấn đấu hoàn thành kế hoạch SXKD năm 2022

Ngày 16/9/2022, tại TP Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Đỗ Hữu Huy đã có buổi làm việc với Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) về kế hoạch sản xuất, kinh doanh năm 2022 của Tập đoàn và một số nội dung liên quan đến Đề án cơ cấu lại VRG giai đoạn 2021 – 2025. Cùng dự buổi làm việc có ông Nguyễn Quế Dương – Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp, ông Lê Long – Chánh Văn phòng Ủy ban.

Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Đỗ Hữu Huy chủ trì buổi làm việc

Về phía VRG có ông Trần Công Kha – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT; ông Lê Thanh Hưng – Phó Bí thư Đảng ủy, Thành viên HĐQT, Tổng giám đốc; cùng các Thành viên HĐQT, các Phó Tổng giám đốc, lãnh đạo các Ban, đơn vị thuộc VRG.

Khó khăn ở cả 5 lĩnh vực đầu tư, kinh doanh chính

Trong 9 tháng đầu năm 2022, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam triển khai thực hiện nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh (SXKD) trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 về cơ bản được kiểm soát, hoạt động kinh tế trong nước dần trở lại trạng thái thường, bước đầu phục hồi và khởi sắc nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine đã tạo làm giá dầu, lạm phát tăng cao, tạo ra những thách thức, cho kinh tế thế giới và ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu. Ngoài ra, các tố như thời tiết, khí hậu diễn biến cực đoan, bệnh hại trên cây cao su, cơ chế sách chưa đồng bộ, lao động thiếu ổn định, chi phí sản xuất tăng, yếu tố đầu vào nghẽn…, cũng ảnh hưởng đến hoạt động SXKD của VRG.

Báo cáo tại buổi làm việc, ông Lê Thanh Hưng – Tổng giám đốc VRG, cho biết: Tập đoàn đã tập trung, quyết liệt triển khai các nội dung, nhiệm vụ được ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm, nhưng trên thực tế cả 5 lĩnh vực đầu tư, kinh doanh của VRG đều phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Trong lĩnh vực đầu tư, với mô hình hiện nay của Tập đoàn, Công ty Mẹ chủ yếu đầu tư, góp vốn vào doanh nghiệp khác và nguồn thu chủ yếu từ lợi nhuận, cổ tức chia (công ty con, công ty liên kết và các khoản đầu tư tài chính) và từ thoái vốn khoản đầu tư tài chính theo sự chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền.

Về khối nông nghiệp cao su chiếm tỷ trọng về vốn đầu tư, doanh thu. Mặc dù những tháng đầu năm có dấu hiệu tích cực nhưng tới nay thị trường không ổn định, giá bán cao su giảm và tiêu thụ chậm, các chi phí đầu vào tăng đã làm ảnh hưởng đến nguồn thu của Tập đoàn.

Ông Lê Thanh Hưng – Tổng Giám đốc VRG báo cáo tại buổi làm việc

Lĩnh vực hoạt động ở khu vực Khu công nghiệp có mức lợi nhuận khá tốt nhưng quy mô còn nhỏ, quỹ đất cho thuê hiện hữu cơ bản hết, nguồn thu chủ yếu hiện nay là lãi tiền gửi, thu phí dịch vụ, phân bổ doanh thu dài hạn đã thu từ các năm trước. Trong khi các dự án mới như mở rộng KCN Nam Tân Uyên, An Điền, Minh Hưng III…, vẫn đang trong gia đoạn thực hiện các thủ tục pháp lý, chưa triển khai đầu tư.

Khu vực chế biến gỗ ngoài việc gặp khó khăn về thị trường thì năm 2022, nguồn gỗ phân bổ của Tập đoàn bị giới hạn nên hoạt động chế biến gỗ càng khó khăn.

Khối công nghiệp cao su chi phí đầu vào như nhiên liệu, chất đốt tăng cao, thị trường có biến động lớn theo chiều hướng xấu, đặc nguồn thu của Công ty CP VRG Khải Hoàn năm 2022 giảm mạnh so với tăng trưởng đột biến của năm 2021 (năm 2021 lợi nhuận gần 800 tỷ đồng, năm 2022 chỉ có khả năng hoà vốn).

Khối ngành nghề khác không có tăng trưởng đột biến, lớn nhất là hoạt động của khối thủy điện, các nhà máy phát điện bị giới hạn về công suất thiết kế, nguồn nước, giờ phát điện, giá bán điện nên cũng đi ngang, cơ bản không có tăng trưởng.

Trước những khó khăn, thách thức lớn như trên, ngay từ đầu năm, Ban Thường vụ Đảng ủy, Hội đồng quản trị và Ban điều hành Tập đoàn đã đề ra các biện pháp quản lý, điều hành cụ thể, phù hợp tình hình thực tế, tối ưu hóa nguồn lực hiện hữu và phát huy truyền thống của ngành Cao su, tập hợp thống nhất sức mạnh của tập thể người lao động chung sức, đồng lòng vượt qua khó khăn, phấn đấu hoàn thành cao nhất có thể các chỉ tiêu kế hoạch năm 2022 đã được Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp thông qua và Đại hội đồng cổ đông thường niên giao; tiếp tục thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh Covid-19 trong trạng thái bình thường mới, đảm bảo an toàn sức khỏe cũng như ổn định thu nhập, đời sống cho người lao động.

Ông Trần Công Kha – Chủ tịch HĐQT VRG phát biểu bổ sung một số nội dung 
 

Kết quả thực hiện kế hoạch SXKD về doanh thu và lợi nhuận thực hiện 9 tháng đầu năm 2022 của Công ty mẹ Tập đoàn ước đạt lần lượt là 1.927 tỷ đồng và 876 tỷ đồng, đều tăng so với cùng kỳ năm 2021 (bằng 101% và 102% so với cùng kỳ năm trước); thực hiện kế hoạch SXKD hợp nhất toàn Tập đoàn là 18.397 tỷ đồng và 4.408 tỷ đồng (bằng 102% và 104% so với cùng kỳ năm trước). 

Tuy nhiên, theo ông Trần Công Kha – Chủ tịch HĐQT VRG, trong cơ cấu doanh thu và lợi nhuận của riêng Công ty mẹ Tập đoàn còn có bao gồm dự thu khoản lợi nhuận từ thoái vốn với giá trị ước tính là 429 tỷ đồng và thu đền bù đất đai từ nguồn ngân sách các địa phương khi thu hồi đất do VGR vào các mục đích phát triển kinh tế, xã hội. Do đó, trong trường hợp vì lý do khách quan, 2 nguồn thu này chưa được thực hiện trong năm cũng sẽ làm giảm doanh thu, lợi nhuận của Tập đoàn năm 2022.

Cơ cấu lại Tập đoàn theo hướng cân đối 3 trụ cột “Cao su – Khu công nghiệp – Chế biến gỗ”

Thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, trên cơ cở phân tích, đánh giá thực trạng của Tập đoàn và các đơn vị thành viên, các vấn đề tồn tại cần tiếp tục xử lý (thoái vốn ngoài doanh nghiệp, sở hữu chéo, các dự án có quy mô nhỏ hiệu quả không cao…v.v), để đảm bảo Tập đoàn tăng trưởng nhanh và phát triển bền vững, Tập đoàn đang xây dựng để trình Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Đề án tái cơ cấu Tập đoàn giai đoạn 2021 – 2025, theo hướng: Tiếp tục thoái vốn đối với các công ty không hiệu quả, không cần thiết nắm giữ (kể cả công ty đang hoạt động hiệu quả). Thực hiện sáp nhập các công ty có quy mô nhỏ, cùng ngành nghề để tiết kiệm chi phí vận hành. Thực hiện thoái vốn, giảm vốn (mua cổ phiếu quỹ, hoàn trả vốn góp cho các cổ đông) trong lĩnh vực cao su để tập trung nguồn lực cho phát triển các dự án Khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên đất cao su, các dự án chế biến gỗ (đây là các lĩnh vực Tập đoàn có lợi thế) nhằm đảm bảo cân đối về vốn đầu tư, nguồn thu giữa 3 trụ cột “Cao su – Khu công nghiệp – Chế biến gỗ”.

Với định hướng tái cơ cấu toàn diện, Tập đoàn sẽ có nguồn thu từ thoái vốn đầu tư (lãi do thoái vốn) để bổ sung/hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh, đáp ứng yêu cầu tăng trưởng trong ngắn hạn và trung hạn. Về lâu dài, Công ty mẹ và cả Tập đoàn sẽ có nguồn thu ổn định với biên lợi nhuận cao từ các dự án Khu công nghiệp/cụm công nghiệp, dự án chế biến gỗ khi các dự án đầu tư mới này đước đưa vào vận hành, hoạt động, đảm bảo cho tăng trưởng và phát triển chung của Tập đoàn giai đoạn 2026 – 2030.

Ông Lê Thanh Hưng cho biết: Mục tiêu phát triển các lĩnh vực hoạt động chính đến 2025, tổng doanh thu dự kiến của Tập đoàn tăng hơn 30% so với hiện nay, lợi nhuận sẽ tăng trưởng khoảng 20% và sẽ tăng nhanh hơn trong giai đoạn sau năm 2025. Doanh thu hợp nhất của Tập đoàn là 161.730 tỷ đồng (trung bình khoảng 32.300 tỷ đồng/năm), lợi nhuận hợp nhất trước thuế là 34.435 tỷ đồng (trung bình khoảng 6.870 tỷ đồng/năm). Lợi nhuận sau thuế Công ty Mẹ Tập đoàn khoảng 12.350 tỷ đồng (trung bình 2.470 tỷ đồng/năm, tăng trung bình 7%/năm). 

Để đạt được mục tiêu trên, Tập đoàn đang thực hiện một số nội dung chính, như: Chuyển đổi một phần diện tích cao su sang phát triển ngành SXKD có hiệu quả cao hơn. Phát huy tối đa năng lực vườn cây cao su để bảo đảm hiệu quả, duy trì và nâng cao chất lượng các sản phẩm cao su. Nâng cao giá trị gia tăng trong chuỗi giá trị của sản phẩm. Tiếp tục thực hiện chủ trương tái cơ cấu, đa dạng hóa sở hữu trong Tập đoàn. Thoái vốn ở những danh mục đầu tư đã đạt ngưỡng hiệu quả, được thị trường đánh giá cao. Thực hiện sáp nhập các doanh nghiệp nhỏ, tăng hiệu năng, hiệu lực quản lý.

Ủy ban luôn hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất và đồng hành cùng VRG

Phát biểu tại buổi làm việc ông Nguyễn Quế Dương – Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp nhận đinh, trong điều kiện khó khăn và tình hình diễn biến thị trường không thuận lợi của năm 2022 nhưng VRG đã cố gắng đạt được kết quả SXKD ở mức cao nhất có thể. Tuy nhiên, Tập đoàn cần cân đối, tính toán và dự báo sát những diễn biến thị trường và khả năng của mình để trong trường hợp cần phải điều chỉnh kế hoạch SXKD năm 2022 thì phối hợp với Vụ Nông nghiệp sớm trình Ủy ban xem xét.

Vụ trưởng Vu Nông nghiệp Nguyễn Quế Dương phát biểu tại buổi làm việc

Về Đề án cơ cấu lại Tập đoàn giai đoạn 2021 – 2025, ông Nguyễn Quế Dương đề nghị Tập đoàn phối hợp với Vụ Nông nghiệp và các đơn vị liên quan khẩn trương rà soát, các nội dung, chuẩn chỉnh số liệu để sớm hoàn thiện trình Lãnh đạo Ủy ban.

Tại buổi làm việc Chánh Văn phòng Ủy ban Lê Long cũng lưu ý VRG về một số giải pháp để Tập đoàn thực hiện tốt nhất nhiệm vụ SXKD năm 2022; đồng thời, gợi ý những vấn đề cần thiết để thúc đẩy tiến độ hoàn thiện, trình Đề án cơ cấu lại Tập đoàn giai đoạn 2021 – 2025 đúng thời hạn.

Sau khi nghe báo cáo của Tập đoàn, ý kiến của đại diện lãnh đạo VRG và các thành viên trong đoàn công tác của Ủy ban, phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Đỗ Hữu Huy đã ghi nhận những nỗ lực của Tổ đại diện vốn Nhà nước tại VRG, HĐQT Tập đoàn, Ban Tổng giám đốc và tập thể lãnh đạo VRG đã có nhiều cố gắng, duy trì được sự ổn định trong hoạt động sản xuất kinh doanh, khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức, để tập trung triển khai hoàn thành tốt nhất kế hoạch SXKD năm 2022; đồng thời duy trì và quan tâm, đảm bảo tốt nhất đời sống vật chất, tinh thần của người lao động.

Để hoàn thành mục tiêu đề ra, trong những tháng cuối năm, Phó Chủ tịch Đỗ Hữu Huy đề nghị HĐQT và Lãnh đạo VRG tập trung chỉ đạo, thực hiện một số nội dung quan trọng.

Chánh Văn phòng ủy ban Lê Long phát biểu tại buổi làm việc

Về tái cơ cấu và sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển, VRG cần tiếp tục phối hợp với các Vụ chức năng của Ủy ban để hoàn thiện Đề án cơ cấu lại Tập đoàn giai đoạn 2021 – 2025 trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và triển khai thực hiện. Nghiên cứu, tập trung xây dựng một số dự án KCN, khu nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động trong các KCN do Tập đoàn cũng như các đơn vị thành viên làm chủ đầu tư; bổ sung cụ thể vào Đề án cơ cấu lại Tập đoàn, làm cơ sở để Ủy ban chủ trì làm việc cụ thể với UBND các địa phương liên quan, nhằm tiếp tục duy trì thế mạnh và kinh nghiệm sẵn có của Tập đoàn.

Phó Chủ tịch Đỗ Hữu Huy cũng lưu ý VRG cần rà soát, xác định nhiệm vụ, tập trung vào kinh doanh những ngành nghề kinh doanh chính và những ngành liên quan phục vụ trực tiếp ngành, nghề kinh doanh chính. Chú trọng công tác cơ cấu lại quy mô, tỷ trọng ngành nghề kinh doanh theo hướng cân đối lại doanh thu khối cao su (bao gồm mủ và gỗ cao su), tăng trưởng doanh thu khu công nghiệp và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; phát triển được các ngành nghề liên quan đến cao su có giá trị gia tăng cao.

Bên cạnh đó, Tập đoàn cần tăng cường quản trị doanh nghiệp, đổi mới quản trị, nâng cao hiệu quả hoạt động doanh nghiệp vả đẩy nhanh tiến độ thoái vốn tại doanh nghiệp nhà nước. 

Phó Chủ tịch Ủy ban Đỗ Hữu Huy kết luận buổi làm việc

Nhấn mạnh việc Ủy ban luôn đồng hành cùng doanh nghiệp trong thực hiện nhiệm vụ, Phó Chủ tịch Đỗ Hữu Huy giao Vụ Nông nghiệp phối hợp với VRG khẩn trương hoàn thiện và trình Ủy ban Đề án cơ cấu lại của VRG; đồng thời, nghiên cứu các kiến nghị của VRG, phối hợp với Vụ chuyên môn của Ủy ban hỗ trợ, tạo điều kiện để Tập đoàn hoàn thành cao nhất kế hoạch SXKD năm 2022 trong điều kiện cho phép

http://cmsc.gov.vn/xem-chi-tiet/-/asset_publisher/WqvULR6gmpvh/Content/vrg-no-luc-trien-khai-cac-giai-phap-phan-au-hoan-thanh-ke-hoach-sxkd-nam-2022?2759302