Theo khảo sát của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) và một số hiệp hội của ngành chế biến, xuất khẩu đồ gỗ cùng chuyên gia của tổ chức Forest Trends, đại dịch COVID-19 đã làm thu hẹp 70-80% quy mô hoạt động sản xuất của các làng nghề – một trong những kênh cung cấp đồ gỗ quan quan trọng hàng đầu cho thị trường nội địa; làm các dự án sử dụng đồ gỗ xây dựng dừng hoạt động; luồng cung gỗ nguyên liệu nhập khẩu giảm ít nhất 70% về số lượng…
Đại dịch COVID-19 đã khiến toàn bộ thị trường xuất khẩu đồ gỗ chủ lực của Việt Nam gần như đóng băng, 80% doanh nghiệp mất đơn hàng, hàng chục nghìn lao động bị mất việc làm.
“Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ (đồ gỗ) được coi là một trong những ngành công nghiệp mũi nhọn, với kim ngạch xuất khẩu năm 2020 dự kiến đạt 12 tỉ USD. Tuy nhiên, có nhiều tín hiệu rõ ràng cho thấy COVID-19 sẽ làm sụp đổ kỳ vọng này”- ông Đỗ Xuân Lập – Chủ tịch VIFOREST – nhận định dựa trên thông tin khoảng 80% khách hàng thị trường Mỹ và EU đã dừng hoặc đang hủy đơn hàng.
Ông Vũ Hải Bằng – Tổng giám đốc Woodsland, một trong những doanh nghiệp xuất khẩu đồ gỗ lớn nhất của Việt Nam, với khoảng 3.000 lao động và doanh thu năm 2019 đạt 60 triệu USD từ các thị trường lớn như Mỹ và EU cho biết: Các thị trường nhập khẩu đồ gỗ chính của Việt Nam tại Mỹ và EU đã đóng cửa hết và chỉ trong vòng 2 tuần hàng loạt đơn hàng của Woodsland bị hủy hoặc dừng.
Ông Nguyễn Đức Kiên – Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Kẻ Gỗ – doanh nghiệp chủ yếu xuất khẩu gỗ dán sang Hàn Quốc và Nhật Bản cho biết: “Trước dịch, bình quân mỗi tháng, doanh nghiệp xuất khẩu 50 container hàng, hiện chỉ còn 5 container/tháng. Hiện công ty cũng chưa nhận được đơn hàng từ tháng 5 trở đi” – ông Kiên cho hay.
Đại diện Công ty TNHH Juma Phú Thọ – một trong những công ty sản xuất và xuất khẩu gỗ dán lớn nhất tại Việt Nam, cho biết: Trước dịch, công ty xuất khẩu được khoảng 450 container/tháng, nay chỉ còn khoảng 200 container.
Hàng chục nghìn lao động ngành gỗ cần được hỗ trợ
Theo ông Nguyễn Liêm – Chủ tịch Hội đồng Quản trị – Công ty Cổ Phần Lâm Việt, trước khi dịch xảy ra, công ty sử dụng 1.000 lao động để làm đồ gỗ xuất khẩu sang Mỹ và EU với lượng xuất khẩu bình quân 150 container/tháng, kim ngạch xuất khẩu khoảng 32 triệu USD/năm. Trong bối cạnh dịch bệnh và nguồn tài chính đầu vào không còn, Công ty đã phải giảm 300 lao động vào cuối tháng 3 vừa rồi và giảm tiếp thêm 300 lao động vào đầu tháng 4.2020, lượng lao động hiện chỉ còn 400 người”.
“Kết quả cho thấy, trong số 105 doanh nghiệp phản hồi trong khảo sát đã có khoảng 45% lượng lao động trong các doanh nghiệp này bị mất việc. Không chỉ vậy, còn hàng nghìn lao động tại các làng nghề cũng đang không có việc làm”- ông Đỗ Xuân Lập thông tin.
Để hỗ trợ các doanh nghiệp, đồng nghĩa với giữ được việc làm cho người lao động, VIFOREST đã gửi văn bản kiến nghị lên Thủ tướng Chính đề nghị đưa chế biến gỗ và các sản phẩm từ gỗ, tre, nứa vào dự thảo Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất.
Ngày 13.3.2020, Ngân hàng Nhà nước đã ban thành Thông tư số 01/2020/TT-NHNN, quy định về ưu đãi các khoản tín dụng cho các ngân hàng thương mại để các tổ chức này cung cấp các gói tín dụng ưu đãi cho doanh nghiệp. Đây là chính sách tín dụng đầu tiên trong gói hỗ trợ của Chính phủ và các doanh nghiệp gỗ cũng nằm trong danh sách được tiếp cập với gói tín dụng này.
Theo TS Tô Xuân Phúc – chuyên gia tư vấn (Tổ chức Forest Trends), điều quan trọng tiếp theo là làm thế nào để thực hiện các cơ chế chính sách này nhanh và hiệu quả, kịp thời và đúng với các nhóm đối tượng cần hỗ trợ.
“Các chính sách và cơ chế này cũng cần có độ phủ rộng hơn, quan tâm đến các nhóm dễ bị tổn thương trong ngành, bao gồm các cơ sở chế biến quy mô hộ gia đình tại các làng nghề và lao động tại các làng nghề cũng như tại các cơ sở sản xuất và chế biến quy mô nhỏ”-TS Tô Xuân Phúc nhấn mạnh.