Trang chủ Tin tức Thông tin ngành Ngành gỗ mở rộng liên kết, hỗ trợ nhau cùng phát triển

CSVN – Tuy được đánh giá là có nhiều tiềm năng, nhưng sản xuất gỗ của Tập đoàn chưa có sự đột phát, chưa khai thác hết tiềm năng hiện có. Tổ nghiên cứu và phát triển sản phẩm gỗ VRG đã đưa ra định hướng và giải pháp đẩy mạnh phát triển ngành gỗ giai đoạn 2021 – 2025.

Đóng gói sản phẩm chuẩn bị xuất xưởng tại Công ty CP Chế biến gỗ Thuận An. Ảnh: Vũ Phong

Ngành gỗ có sự tăng trưởng ổn định

Những năm qua, ngành gỗ không ngừng gia tăng về mặt sản lượng, doanh thu, lợi nhuận… góp phần quan trọng vào việc hoàn thành nhiệm vụ kế hoạch chung của VRG.

Trong số các ngành nghề kinh doanh của VRG, ngành gỗ được xác định là một trong những ngành sản xuất chính của Tập đoàn, lĩnh vực đầu tư phát triển ngành gỗ được đánh giá là có nhiều tiềm năng, triển vọng và lợi thế để phát triển.

Đây là lĩnh vực có biên lợi nhuận khá tốt, đặc biệt có cơ hội phát triển trong điều kiện Việt Nam và các nước đang thắt chặt chính sách đóng cửa rừng, nhu cầu về sản phẩm sản xuất từ gỗ cao su sẽ tăng. Chính vì vậy phát triển các sản phẩm gỗ cao su tinh chế và các sản phẩm mới sử dụng phụ phẩm ngành gỗ là mục tiêu ưu tiên.

Trong bốn năm gần đây (2016 – 2019), sản lượng sản xuất và tiêu thụ gỗ có sự tăng trưởng ổn định. Tổng giá trị doanh thu tăng dần qua các năm, năm 2016 doanh thu 5.060 tỷ đồng tăng lên 7.499 tỷ đồng vào năm 2019. Ngành gỗ đã đóng góp 25% tổng doanh thu của Tập đoàn.

Về chất lượng – thương hiệu – thị trường tiêu thụ, sản phẩm gỗ phôi và gỗ ghép tấm chủ yếu tiêu thụ trong nước phục vụ ngành tinh chế và hầu như không có xuất khẩu trực tiếp. Công tác kiểm tra và đánh giá chất lượng chủ yếu do các công ty tự đề ra và thực hiện thông qua yêu cầu của khách hàng.

Sản phẩm gỗ tinh chế hiện nay vẫn chiếm tỷ lệ thấp (4%), chủ yếu gia công theo mẫu mã thiết kế của khách hàng và chưa tạo được thương hiệu riêng cho công ty cũng như Tập đoàn. Bên cạnh đó các công ty có sản lượng tinh chế lớn như Đông Hòa, Thuận An, Dầu Tiếng chủ yếu vẫn sử dụng nguyên liệu phối trộn nhiều loại gỗ tràm, keo lai, gỗ nhập khẩu… là chủ yếu, trong khi sử dụng nguyên liệu gỗ cao su để sản xuất gỗ tinh chế vẫn ở mức thấp (khoảng 30 – 40%). Các công ty mới đưa vào sản xuất sản phẩm tinh chế bằng 100% nguyên liệu gỗ cao su như Gỗ Tây Ninh cũng đang hoàn thiện dây chuyền thiết bị tinh chế.

Thị trường MDF chủ yếu là trong nước chiếm 90% sản lượng tiêu thụ, xuất khẩu chiếm 10%. Từ đó cho thấy tiềm năng thị trường trong nước còn rất lớn để đầu tư đáp ứng thị hiếu tiêu dùng, bên cạnh sự cạnh tranh từ ván nhập khẩu trong khu vực.

Dự kiến thành lập khu công nghiệp chuyên về ngành gỗ

Trong thời gian qua, sự liên kết giữa các công ty cao su và công ty gỗ, liên kết giữa các công ty gỗ với nhau còn nhiều hạn chế dẫn đến các công ty thường chỉ thực hiện những đơn hàng quy mô nhỏ, lợi nhuận không cao. Chưa có đầu mối trong công tác hỗ trợ liên kết giữa các công ty cũng như làm đầu mối trong công tác định hướng sản phẩm, đúc kết và chia sẻ kinh nghiệm sản xuất…

Để đẩy mạnh phát triển giai đoạn 2021 – 2025, ngành gỗ VRG cần tiếp tục đầu tư mới, mở rộng quy mô sản xuất, mở rộng theo lộ trình sản phẩm gỗ tinh chế với quy mô gấp đôi hiện nay, xem xét đầu tư các sản phẩm mới như Wood Pellet, Okal…. để tận dụng hết các phụ phẩm của cây cao su. Chủ trương của Tập đoàn là lựa chọn liên kết, hợp tác với các đối tác có thực lực về tài chính, kinh nghiệm, thương hiệu và thị trường để phát triển những sản phẩm mới, để gia tăng chuỗi giá trị của cây cao su.

Đối với các sản phẩm gỗ tinh chế, để tăng lượng tiêu thụ gỗ tinh chế, cần chú trọng đến thị trường tiêu thụ trong nước, bên cạnh việc đầu tư các trang thiết bị, cần quan tâm đến việc quảng bá sản phẩm không những ở thị trường nước ngoài mà cần tập trung vào thị trường trong nước.

Bên cạnh đó, việc thay đổi suy nghĩ, cách nhìn để sáng tạo mẫu mã sản phẩm phù hợp với xu hướng tiêu dùng hiện nay phần nào sẽ ảnh hưởng đến sản lượng tiêu thụ sản phẩm: sáng tạo ra không gian nội thất, giải pháp cho khách hàng chứ không còn chú trọng đến từng sản phẩm riêng biệt nữa. Thay đổi phương thức bán hàng sang online để phù hợp với nhu cầu, thị hiếu khách hàng.

Sản phẩm MDF hiện cung trong nước đã gần bằng nhu cầu và vẫn còn xu hướng tăng, ngoài ra ở các nước lân cận như Thái Lan, Indonesia vẫn đang tiếp tục tăng nguồn cung và Việt Nam là một thị trường nhắm đến, do vậy áp lực cạnh tranh trong việc thu mua nguyên liệu làm giá nguyên liệu tăng và áp lực thị trường làm giá bán giảm, biên lợi nhuận sẽ giảm, do vậy dự kiến sẽ không tiếp tục đầu tư để tăng công suất nhà máy, chỉ tăng công suất qua việc tối ưu quy trình sản xuất, giảm tỷ lệ phế phẩm, sản xuất các sản phẩm có giá trị cao hơn và tăng giá trị sử dụng như dán vener, melamine… theo yêu cầu của thị trường.

Với gỗ cao su, gỗ phôi giá trị gia tăng không cao và giá biến động khá lớn, lệ thuộc vào mùa vụ và chính sách nhập khẩu của Trung quốc, dự kiến không tăng công suất vì diện tích cao su thanh lý của Tập đoàn cũng chỉ giới hạn trong khoảng 12.000 ha/năm. Để tăng giá trị sẽ phải gia tăng công suất ván ghép, ván ghép đã phủ vener, melamine và tăng sản lượng sản phẩm tinh chế. Nhà máy tinh chế sẽ được đầu tư với quy mô lớn trên nền các nhà máy hiện có mở rộng quy mô và mua lại các doanh nghiệp đã có thương hiệu, bộ máy vận hành tốt hoặc tăng khả năng hợp tác liên doanh, liên kết.

Với sản phẩm mới, viên nén gỗ (WoodPellet) là một lựa chọn, nhu cầu tiêu thụ viên nén gỗ trên thế giới rất lớn vì đây là nguồn nguyên liệu tái tạo carbon trung tính thay thế nguồn nguyên liệu hóa thạch. Đây cũng là nguồn nguyên liệu sinh khối chất lượng cao nhất với tro thải ít, khí thải sạch và nhiệt trị cao.

Đông Nam bộ là khu vực ngành chế biến gỗ phát triển rất mạnh trong những năm qua và sẽ tiếp tục phát triển, tuy nhiên việc phát triển hiện nay chưa   có mối liên kết giữa nhà cung ứng nguyên liệu, phụ liệu phụ trợ với nhà sản xuất, giữa nhà sản xuất với nhà cung ứng dịch vụ Logistic, thiếu bộ phận thiết kế chuyên nghiệp… Tập đoàn dự kiến hình thành một khu công nghiệp với quy mô lớn chuyên về ngành chế biến gỗ để vừa đáp ứng nhu cầu phát triển các công ty chế biến gỗ của Tập đoàn, vừa tạo hạ tầng để phát triển ngành gỗ ở khu vực.

Nguồn: http://tapchicaosu.vn/2020/10/11/nganh-go-mo-rong-lien-ket-ho-tro-nhau-cung-phat-trien/